Sự thật về tiêu chuẩn nhạc cao cấp Apple Digital Master vừa được giới thiệu

Pro Sound Việt Nam 1 năm trước 204 lượt xem

Sự thật về tiêu chuẩn nhạc cao cấp Apple Digital Master vừa được giới thiệu

    Sự thật về tiêu chuẩn nhạc cao cấp Apple Digital Master vừa được giới thiệu

    Cách đây vài ngày Apple mở dịch vụ Apple Digital Master trên iTunes, được giới thiệu mang lại chất lượng âm thanh cao cấp giống như phòng thu cho tất cả mọi người. Cá nhân mình thấy có rất nhiều nguồn thông tin trên mạng từ Việt Nam cho đến nước ngoài, có nhiều thông tin không căn cứ, thiếu chính khác. Nên mình muốn viết một bài chia sẻ khách quan với mọi người về tiêu chuẩn âm thanh chất lượng cao mới của Apple này.

    Đầu tiên thì chất lượng Apple Digital Master có thể hiểu đơn giản là việc đặt tên lại (rebrand) của chuẩn “Mastered for iTunes” vốn đã được giới thiệu trên iTunes từ năm 2012. Bước đi mới của Apple này một phần nhằm mục đích làm mới hình ảnh và cũng khẳng định lại vị thế, quan điểm của mình trong lĩnh vực stream nhạc.

    Apple Digital Master là gì?

    Để hiểu được ngọn ngành vấn đề, các bạn cần biết đến chuẩn codec AAC (Advanced Audio Coding) được Apple sử dụng. Đây là một codec lossy được Apple phát triển nhằm mục đích nén và encode các tín hiệu âm thanh mà không bị suy hao quá nhiều thông tin so với file âm thanh gốc.

    Vào năm 2003 khi iTunes được ra mắt, Apple sử dụng chuẩn AAC 128kbps được nén từ file CD gốc xuống và đã nhận được rất nhiều thành công khi bán được đến hơn 100 triệu ca khúc ngay trong năm đầu tiên. Chất lượng âm thanh của 128kbps AAC nổi bật hơn nhiều so với tiêu chuẩn MP3 đang thịnh hàng tại thời điểm ấy.

    Kể từ năm 2007, iTunes quyết định nâng cấp chất lượng của file nhạc lên định dạng AAC 256kbps giúp có thể lưu trữ thêm nhiều thông tin âm thanh hơn với băng thông, tốc độ giải mã nhanh hơn. Qua nhiều năm các công nghệ re-sample SRC của Apple cũng tiên tiến hơn nhiều về kể từ năm 2012 đã có thể resample các file nhạc gốc có chất lượng Hi-Res lên đến 24-bit tốt hơn so với chất lượng CD 16-bit.

    Công nghệ re-sample SRC (Sample Rate Conversion) của Apple sử dụng một thuật toán chuyển đổi 32-bit floating point khi chuyển đổi file nhạc 24 bit để giữ được các điểm giá trị nằm ngoài biên độ cho phép. Điều này giúp cho file AAC giữ được gần như toàn bộ dynamic range của file gốc và không cần phải sử dụng đến đệm dither noise để là giảm độ méo tiếng, giúp mức nhiễu nền thấp hơn nhiều so với các phương pháp re-sample khác.

    Thậm chí Apple cũng tự tin khẳng định file AAC 256kbps Apple Digital Masters có chất lượng âm thanh tốt hơn so với chất lượng tiêu chuẩn CD.

    Các file AAC 256kbps ngoài việc được bán trên iTunes cũng được Apple sử dụng trên dịch vụ stream nhạc Apple Music.

    Chuẩn Apple Digital Master được cấp cho những file nhạc AAC 256kbps có được nén từ những file gốc (master) của phòng thu có chất lượng 24 bits trở lên và đã được Apple Music kiểm chứng chất lượng.

    Tóm lại: Apple vẫn sẽ sử dụng codec AAC 256 kbps để truyền tải trên iTunes và Apple Music, chứ không hề ra mắt chuẩn Lossless chất lượng cao như lời đồn.

    Các file Apple Digital Master sẽ khác với các file trước đây trên iTunes như thế nào?

    Để đạt được tiêu chuẩn Apple Digital Master nhà sản xuất phải cung cấp bản thu gốc có chất lượng cao 24-bit cho Apple. Chất lượng đầu vào của bản thu gốc được kiểm soát khắt khe hơn so với trước đây:

    – Chất lượng file bản thu gốc phải là nhạc chuẩn 24 bit với tần số lấy mẫu tối ưu là 96kHz (Apple vẫn chấp nhận tần số lấy mẫu 48kHz và 88.2kHz). Đến đây chắc nhiều bạn sẽ nhận ra đó chính là tiêu chuẩn của File Hi-Res Audio.

    – Apple sẽ không chấp nhận trường hợp thu nhạc ở 16-bit sau đó sử dụng đệm và upsample lên 24-bit.

    – Các album CD hay đĩa than cũ phải được ‘remaster’ lại để đạt đủ chất lượng 24-bit. Quy trình remaster phải thực hiện tương tự như sản xuất một album mới và phải có được cải thiện có thể nhận thấy được so với bản thu trước đây.

    – Nhà sản xuất phải đảm bảo được chất lượng bản thu với độ động (dynamic range) của bản thu được thể hiện tốt, không có ngưỡng âm lượng quá lớn (loudness) và không bị cắt mất tín hiệu (clipping). Đây là những điều mà rất nhiều audiophile quan tâm đặc biệt là sau cuộc chiến “loudness war” giành lại chất lượng bản thu tốt trên những dàn âm thanh mắc tiền.

    – Nhà sản xuất phải lưu ý đến định dạng cuối AAC, xem xét toàn bộ ưu nhược điểm của định dạng. Apple sẽ cung cấp các công cụ, phần mềm để nhà sản xuất có thể kiểm tra chất lượng của file AAC, nghe thử file AAC và so sánh với bản thu gốc. Sau đó điều chỉnh để tối ưu chất lượng âm thanh của file gốc làm sao cho chất lượng của file AAC được đảm bảo và giống với bản thu gốc.

    Đây là một điều hết sức quan trọng bởi vì chỉ có chất lượng đầu vào của bản thu gốc được cải thiện thì chất lượng của file output cũng chắc chắn được cải thiện. Và thậm chí điều này còn quan trọng hơn cả định dạng truyền tải bởi vì một ca khúc được thu âm tốt, chính xác dù có bị downsample xuống định dạng lossy vẫn sẽ hay hơn một ca khúc thu âm lỗi nghe ở định dạng lossless.

    Và hiện nay nếu các bạn để ý thì đến 90% số lượng các ca khúc thể loại cổ điển (classical) đều đã đạt tiêu chuẩn Apple Digital Masters, vì đối với thể loại nhạc cổ điển việc chất lượng âm thanh kém rất dễ dàng phát hiện.

    Liệu Apple có giới thiệu gói stream nhạc Hi-Res như Tidal và Qobuz hay không?

    Khả năng Apple giới thiệu một gói stream nhạc lossless hay Hi-Res Audio tương tự như Qobuz, Tidal là rất rất thấp vào thời điểm hiện tại, mặc dù Apple hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện.
    Phần mềm và phần cứng trên iPod Touch/ iPhone/ iPad hoàn toàn có khả năng giải mã nhạc 24 bit Hi-Res tuy nhiên theo Apple thì chất lượng của file AAC 256kbps đặc biệt của mình không hề thua kém gì nhiều so với bản thu gốc 24 bit. Ngoài ra cách marketing của Apple cũng hướng đến độ tiện dụng, tương thích nhiều thiết bị, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng (ngay cả slogan cũng ghi ‘for everyone’) thay vì tập trung vào phân khúc nhỏ mang tên audiophile.

    Và nếu chúng ta làm một phép so sánh đơn giản giữa số lượng người dùng sử dụng các dịch vụ stream nhạc nổi tiếng nhất với chất lượng lossy là Spotify (108 triệu người đăng ký trả tiền, tổng 220 triệu người dùng) và Apple Music (60 triệu người dùng). So với dịch vụ stream nhạc lossless chất lượng cao dành cho audiophile là Tidal (hơn 3 triệu người) và Qobuz (250 ngàn người), đây là một con số quá nhỏ để Apple quan tâm.

    Chưa tính đến việc lưu lượng băng thông của file AAC tiết kiệm hơn rất nhiều so với file WAV 24-bit, giảm dung lượng lưu trữ trên server. Điều này tiện lợi cho cả Apple và người dùng có thể được sử dụng ở bất kỳ nơi đâu với tốc độ truyền tải nhanh và nhẹ hơn nhiều so với file Hi-Res chuẩn.
    Hiện tại trên Apple Music có rất nhiều ca khúc cùng nguồn với bản thu chất lượng cao Apple Digital Music trên iTunes, nên người dùng cũng đã có thể trải nghiệm chất lượng nhạc chất lượng cao trực tuyến.

    Hệ thống Ecosystem của Apple được xây dựng dựa trên codec AAC rất nhiều từ Apple Music, iTunes cho đến các codec Bluetooth truyền tải không dây, codec âm thanh trong các chuẩn video. Nên việc thay đổi để có chất lượng lossless không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi khá nhiều thời gian xây dựng.

    Tuy nhiên một lưu ý nhỏ là khi các nhà sản xuất gửi bản thu gốc 24-bit đến Apple thì Apple Music cũng toàn quyền sở hữu bản thu gốc 24-bit và phiên bản AAC được phát hành. Vì thế nếu một ngày đẹp trời Apple có giới thiệu bán nhạc 24-bit cũng không có gì là lạ.

    Bạn đọc xem nhiều