Phân biệt tai nghe đóng (closed-back) và tai nghe mở (open-back)
Phân biệt tai nghe đóng (closed-back) và tai nghe mở (open-back)
Đối với những người đam mê tai nghe nói chung và những “con nghiện” tai nghe full size nói riêng, việc lựa chọn giữa tai nghe đóng (closed-back) và mở (open-back) cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi từ rất lâu. Dĩ nhiên mỗi loại tai nghe đều có những ưu, nhược điểm riêng có, phụ thuộc vào cách họ sử dụng và không gian xung quanh ra sao.
Câu hỏi được đặt ra là, tai nghe “đóng” và “mở” hợp với những bộ phận người tiêu dùng nào? Hôm nay chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản về sự khác nhau giữa tai nghe đóng và mở.
Thế nào là tai nghe đóng và tai nghe mở?
Tai nghe dạng đóng (hay còn được gọi là closed-back) là những tai nhe loại trùm đầu có củ tai là một khối kín và liền mạch với nhau. Giữa các thành phần ở củ tai không có khe hở. Củ tai là một khối thống nhất ôm kín tai người nghe.
Đối lập với tai nghe dạng đóng là tai nghe dạng mở (open-back), là những tai nghe trùm đầu có phần củ tai không được thiết kế liền thành một khối là lại có những khe hở, lỗ hổng để thông hơi.
Đặc điểm riêng của hai loại tai nghe đóng và mở
Với tai nghe đóng (Closed-back)
Ta có thể bắt gặp các tai nghe dạng này ở các phân khúc tai nghe tầm trung hoặc tầm thấp. Nhưng trong vài năm trở lại đây thì cũng xuất hiện nhiều model thuộc phân khúc tầm cao nhiều hơn. Chỉ cần nghe tới từ “đóng” và nhìn kiểu liền một khối của củ tai, nó cho ta cảm giác âm thanh được bọc kín và không bị lọt ra ngoài. Người nghe cũng ít phải chịu những ảnh hưởng của các tạp âm bên ngoài. Đó là chưa kể tới các công nghệ chống ồn hiện đại nhất. Và quả đúng là như vậy, bản thân chiếc tai nghe theo kiểu closed-back sẽ đóng kín đôi tai của bạn trong một không gian nhất định và bạn sẽ hoàn toàn chìm đắm vào không gian âm nhạc tỏa ra từ chính tai nghe đó. Khả năng cách âm của nó cực kỳ tốt.
Các tai nghe kiểu này như ta thấy, củ tai tròn to ôm gọn đôi tai bằng một lớp đệm bằng xốp mút hoặc chất liệu giả da. Nó tạo cảm giác êm ái và nâng niu đôi tai cho vành tai không bị đau nhức khi sử dụng cả ngày dài. Nhưng quan trọng hơn cả là việc này sẽ mang lại khả năng cách âm rất cao bởi chất liệu cấu thành. Theo các nghiên cứu chính thức thì chỉ riêng việc thiết kế củ tai như vậy đã giúp người dùng loại bỏ được tới 10 decibel tiếng ồn. Đó là ngưỡng mà những tiếng nói xung quanh, tiếng xe từ xa hay tiếng chim hót mà tai người có thể nghe được. Do đó, nếu trong môi trường không có quá nhiều tạp âm hay các âm thanh lớn thì bạn chỉ cần một chiếc tai nghe dạng đóng là có thể tha hồ thưởng thức âm nhạc mà chẳng cần tới các công nghệ chống ồn đắt tiền.
Đây chính là lợi thế lớn nhất của tai nghe đóng so với tai nghe mở: chúng sẽ tách biệt bạn ra khỏi tiếng ồn bên ngoài và đưa bạn hòa vào thế giới âm nhạc. Nếu bạn đang ngồi trong xe hơi và đeo tai nghe closed-back, bạn sẽ không nghe thấy tiếng động cơ, tiếng còi xe hay các tiếng ồn khác nữa. Âm nhạc từ tai nghe đóng sẽ tạo ra trải nghiệm trực tiếp hơn, “bùng nổ” hơn. Nhiều người ví trải nghiệm này là “âm nhạc từ bên trong đầu”: bạn sẽ có cảm giác ban nhạc đang chơi nhạc từ trong đầu của mình.
Nhiều người thích cách tái hiện “âm nhạc trong đầu bạn” của tai dạng đóng, đặc biệt là các fan của nhạc Hip-Hop, Dance Pop hoặc EDM. Không chỉ có vậy, trong nhiều trường hợp, bạn cũng sẽ cần tới trải nghiệm âm thanh hoàn toàn cách biệt. Ví dụ, các DJ hoặc kỹ sư âm thanh sẽ đeo tai nghe dạng đóng để tránh bị ảnh hưởng bởi âm thanh bên ngoài. Trong quá trình sử dụng hàng ngày, bạn cũng sẽ cần ngăn âm thanh từ tai nghe của mình lọt ra bên ngoài: khi ngồi trên xe bus, khi đọc sách tại thư viện, khi làm việc tại văn phòng – bất cứ nơi nào cần tránh làm phiền những người xung quanh. Khi thực hiện cuộc gọi qua mạng hoặc khi chơi game, bạn cũng nên sử dụng tai nghe dạng đóng để tránh âm thanh từ tai nghe lọt vào microphone gây âm thanh nhiễu.
Với tai nghe mở (open-back)
Trong khi tai nghe dạng đóng có khả năng cách âm rất tốt và mang tới trải nghiệm âm nhạc “trực tiếp” hết mức có thể, tai nghe dạng mở sẽ để cho âm thanh (và không khí) lọt qua các khe hở trên phần nắp của củ tai.
Thay vì đeo tai nghe đóng và chỉ tận hưởng theo kiểu “ở trong đầu”, thì tai nghe dạng mở lại mở ra cảm giác như là âm thanh đang tràn ngập xung quanh ta. Giống như kiểu bạn đang ở một buổi hòa nhạc hay ngay giữa khán phòng và nghe được các âm thanh từ những nhạc cụ khác nhau truyền tới mình. Cũng giống như khái niệm âm trường đã phân tích ở trên, bạn không còn cảm nhận âm thanh chỉ bằng đầu và tai mà dường như là bạn có thể cảm nhận được âm thanh từ vị trí chính giữa của một không gian âm thanh rộng lớn, và toàn bộ cơ thể bạn có thể được tác động bởi các sóng âm thanh. Do đó, nó mang lại một sự khích thích rất sảng khoái và sôi động và tai nghe dạng đóng không có được
Nếu các tai nghe dạng đóng được phân cấp ở mức giá tầm trung và tầm thấp thì phần nhiều các tai nghe tầm cao lại là các tai nghe dạng đóng. Và đương nhiên sẽ vẫn có những ngoại lệ với giá thành thấp.
Điểm yếu của tai nghe dạng mở là khả năng cách âm cực kém. Những chiếc tai nghe open-back gần như chỉ có thể được sử dụng tại nhà, trong các môi trường không có tiếng ồn. Nếu mang tai nghe open-back lên xe hơi, bạn có thể vẫn nghe rõ tiếng động cơ xe và tiếng còi, tiếng loa phóng thanh trên đường.
Thậm chí, nếu tường nhà cách âm không tốt, bạn thậm chí còn không thể nghe nhạc bằng tai nghe open-back khi trời mưa to.
Nên mua tai nghe dạng đóng hay dạng mở
Khi đã phân biệt được đặc điểm riêng của 2 loại tai nghe, câu hỏi còn lại sẽ là: bạn nên mua loại tai nghe nào? Hiển nhiên, bạn mua tai nghe là để tận hưởng âm nhạc, nhưng khi quyết định lựa chọn tai nghe open hay closed, yếu tố đầu tiên bạn cần tính tới sẽ là nghe nhạc ở đâu. Nếu bạn định sử dụng tai nghe ở chỗ đông người, trong gần như tất cả các trường hợp bạn nên tránh mua tai nghe dạng mở. Sử dụng một loại tai nghe làm lọt ra quá nhiều âm thanh và không ngăn cách được các tiếng ồn từ môi trường chắc chắn sẽ gây khó chịu cho cả bạn và những người xung quanh.
Nếu bạn định sử dụng tai nghe tại nhà hoặc trong văn phòng ít người và được cách âm tốt, việc lựa chọn tai nghe đóng hay mở sẽ phụ thuộc vào sở thích của bạn. Âm nhạc từ tai nghe dạng đóng gần gũi hơn, trực tiếp hơn và mang tính cách biệt người nghe khỏi môi trường xung quanh. Tai nghe dạng mở sẽ mang người nghe đặt trong một khung cảnh âm nhạc rộng lớn.
Bài viết này đã giúp bạn phân biệt được những điểm khác biệt rõ rệt nhất của 2 dạng tai nghe closed-back và open-back, nhưng chắc chắn sẽ có những ngoại lệ đối với từng loại tai nghe. Nếu có thể, hãy đến các cửa hàng tai nghe hoặc tham gia các buổi offline để trực tiếp thử nghiệm chất âm của từng lựa chọn có thể trước khi đưa ra quyết định mua sắm.