Công nghệ Dolby Digital và DTS có những điểm khác biệt nào?

Pro Sound Việt Nam 2 năm trước 217 lượt xem

Công nghệ Dolby Digital và DTS có những điểm khác biệt nào?

    Công nghệ Dolby Digital và DTS có những điểm khác biệt nào?

    Dolby Digital và DTS là 2 định dạng home theater thông dụng nhất hiện nay với khả năng mang đến trải nghiệm giải trí cực kỳ tuyệt vời. Chúng đều là công nghệ nén âm thanh tiên tiến giúp các nhà làm phim thu lại âm thanh surround và tái tạo lại như thật trong rạp phim hay hệ thống giải trí gia đình. Nếu đang có ý định đầu tư một hệ thống giải trí tại nhà, chắc hẳn bạn đã từng đắn đo phân vân không biết nên chọn Dolby Digital hay DTS, cũng như thắc mắc chúng có những điểm nào khác biệt nhau.

    Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những điểm khác biệt giữa công nghệ Dolby Digital và DTS để có những đánh giá chính xác nhất.

    Trước tiên ta hãy bàn về thuật toán nén âm thanh của Dolby Digital và DTS. DTS mã hóa âm thanh với bitrate cao hơn Dolby Digital nên một số chuyên gia nhận định rằng nó sẽ có chất lượng âm thanh tốt hơn. Tuy nhiên nếu nói về công nghệ mã hóa thì Dolby Digital lại tiên tiến hơn nhiều, từ đó cho phép nó mã hóa với bitrate thấp nhưng vẫn giữ được chất lượng âm thanh rất tốt, chí ít là theo lý thuyết ở điều kiện lý tưởng.

    đầu hát

    Về mức độ phổ biến, hầu hết các thiết bị âm thanh gia đình hiện nay đều tương thích cả Dolby Digital lẫn DTS nên bạn sẽ không cần phải mất quá nhiều công sức để tìm kiếm một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của mình. DTS và Dolby Digital cũng hỗ trợ hoàn hảo định dạng âm thanh 5.1, trong đó các công nghệ mới hơn như DTS:X và Dolby Atmos còn hỗ trợ đến 7.1. Các sản phẩm đầu đĩa Blu-ray, hệ thống âm thanh gia đình cao cấp, máy chơi game, máy tính, các dàn âm thanh chuyên nghiệp hay thậm chí một số mẫu smartphone hiện nay cũng hỗ trợ DTS và Dolby Digital.

    Dolby Digital là gì?

    Dolby Digital là codec âm thanh đa kênh được phát triển bởi Dolby Labs với khả năng tái hiện âm thanh surround và được xem là tiêu chuẩn chung cho thị trường âm thanh (chủ yếu là do Dolby Labs tồn tại sớm hơn DTS). Codec này lần đầu tiên được sử dụng trong bộ phim Batman Returns (1992) và sau đó được phát triển thành Dolby Digital Plus hỗ trợ âm thanh HD với thiết lập tối đa 7.1 kênh. Tiếp đó là sự ra đời của Dolby TrueHD, định dạng lossless hứa hẹn cung cấp chất lượng âm thanh ngang với bản thu master trong phòng thu. Hiện nay được biết đến nhiều nhất là Dolby Atmos.

    Vậy còn DTS là gì?

    DTS (viết tắt của Digital Theater Systems) được phát triển vào năm 1993 để cạnh tranh với Dolby Digital. DTS bắt đầu được chú ý sau khi đạo diễn Steven Spielberg sử dụng nó trong bộ phim Jurassic Park (Công viên Khủng long). Từ năm 1996 DTS bắt đầu xuất hiện đại trà hơn trong các sản phẩm âm thanh tiêu dùng, và cũng được phát triển thành các định dạng tiên tiến hơn như DTS-HD High Resolution (hỗ trợ 7.1), DTS-HD Master Audio và hiện nay là DTS:X.

    Giữa chúng có những khác biệt nào?

    Một trong những khác biệt lớn nhất của Dolby Digital và DTS là mức bitrate. Dolby Digital nén tín hiệu âm thanh 5.1 ở bitrate 640kbits/s (Blu-ray) và 448kbits/s (DVD), trong khi đó DTS nén ở mức bitrate lên đến 1.5Mbits/s (Blu-ray) và 768kbits/s (DVD). Ở các định dạng âm thanh chất lượng cao, khác biệt này càng rộng hơn với Dolby Digital Plus tối đa 1.7Mbits/s còn DTS-HD High Resolution lên đến tận 6Mbits/s.

    Về lý thuyết, mức nén càng thấp thì chất lượng âm thanh càng cao và dường như DTS đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên về công nghệ thì codec Dolby lại có khả năng xử lý hiệu quả hơn so với DTS nên nó không cần phải nén với bitrate quá cao mà vẫn có thể có được chất lượng âm thanh tương đồng. Ở đây chúng ta đã có một điểm hòa nhau giữa Dolby Digital và DTS.

    hệ thống âm thanh

    Tiếp theo là các trải nghiệm thực tế. Cả Dolby Digital và DTS đều mang đến chất lượng âm thanh với độ sống động và chi tiết cao, tái hiện được chân thật và đầy đủ các chi tiết âm thanh khi bạn xem phim hay chơi game. Dolby Atmos sẽ cần đến thiết lập loa gắn trên trần nhà để tạo ra một không gian âm bao trùm lấy phòng nghe, điều mà một số mẫu loa thanh (soundbar) hiện nay đang thực hiện bằng cách bố trí các driver đánh lên trần nhà để dội xuống.

    DTS thì linh hoạt hơn khi chỉ đòi hỏi thiết lập loa surround tiêu chuẩn là đủ, không cần thêm các loa đánh hướng xuống từ trần nhà. Bạn cũng có thể tùy chỉnh các track riêng được mix trong bộ phim, cho phép tăng giảm âm lượng các track như lời thoại, track hiệu ứng cháy nổ hay track nhạc nền nếu muốn.

    Hầu hết các thiết bị âm thanh gia đình hiện nay đều hỗ trợ cả Dolby Digital và DTS, tuy nhiên DTS vẫn hơi lép vế hơn nếu so về độ phổ biến. Các dịch vụ stream phim như Amazon Prime Video hay Netflix đã hỗ trợ Dolby Digital từ lâu nhưng hiện vẫn chưa hỗ trợ DTS.

    Vậy thì cái nào tốt hơn?

    Nếu chỉ dựa trên thông số kỹ thuật thì DTS sẽ chiếm phần thắng, bù lại một số người chơi âm thanh chuyên nghiệp vẫn sẽ chọn Dolby Digital vì dễ set-up hơn và cũng không cần phải căn chỉnh loa rườm rà. Khó có thể nói giữa Dolby Digital và DTS cái nào tốt hơn, điều quan trọng ở đây là chúng đều có thể mang đến cho bạn trải nghiệm giải trí tuyệt vời nhất.

    Bạn đọc xem nhiều